Trang chủ / TIN TỨC / Trang trại điện mặt trời 800 MW trên sa mạc

Trang trại điện mặt trời 800 MW trên sa mạc


Nhà máy điện Al-Kharsaah - dự án năng lượng mặt trời trên sa mạc đầu tiên của nước này ở phía tây thủ đô Doha bắt đầu vận hành.
Dự án có chi phí khoảng 467 triệu USD, bao gồm 1,8 triệu tấm pin mặt trời bao phủ một khu vực rộng hơn 10 km2, khánh thành hôm 18/10. Đây là "một trong những trang trại điện mặt trời lớn nhất ở Trung Đông", Saad Sherida al-Kaabi, Chủ tịch tập đoàn QatarEnergy kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar, nhấn mạnh.
Nhà máy có công suất ban đầu là 800 megawatt và sẽ mở rộng hơn nữa trong những năm tới. Dự án này là một phần trong "các sáng kiến chiến lược" nhằm làm giảm khí thải và nhiệt độ của Qatar. Nó được xây dựng vào năm 2016 với sự hợp tác của tập đoàn TotalEnergies (Pháp) và Marubeni (Nhật Bản).
Vào ban ngày, công nghệ hướng nắng tự động điều chỉnh các tấm pin quay theo Mặt Trời để đảm bảo nhận được lượng ánh sáng tối đa, trong khi vào ban đêm, các cánh tay robot sẽ làm sạch bụi bám trên bề mặt.
Trang trại điện mặt trời Al-Kharsaah ở phía tây Doha, Qatar. Video: AFP/Bloomberg Quicktake Now

Đơn vị tổ chức World Cup 2022, khởi tranh vào ngày 20/11, đã sử dụng dự án Al-Kharsaah để ủng hộ tuyên bố Qatar sẽ tổ chức kỳ World Cup đầu tiên không phát thải carbon ròng, nơi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được bù đắp bằng năng lượng sạch.

Dù tụt hậu so với các quốc gia vùng Vịnh khác trong cuộc đua điện tái tạo, Qatar đã công bố mục tiêu đạt 5 gigawatt công suất năng lượng mặt trời vào năm 2035.
Bên cạnh Al-Kharsaah, nước này còn tiết lộ hai dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn khác vào tháng 8, nhằm tăng gấp đôi sản lượng điện từ nguồn tái tạo trong hai năm tới.
Quốc gia láng giềng Arab Saudi cũng đã công bố mục tiêu 5 gigawatt công suất năng lượng mặt trời, nhưng cam kết sẽ đạt được vào năm 2030. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã có những nhà máy quang điện trong hơn một thập kỷ.