Trang chủ / TIN TỨC / Quy hoạch điện VIII: Khuyến khích điện gió, điện mặt trời tự cung cấp cho phụ tải

Quy hoạch điện VIII: Khuyến khích điện gió, điện mặt trời tự cung cấp cho phụ tải


TTTĐ - Theo ghi chú trong dự thảo Quy hoạch điện VIII thì sẽ khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, tự cung cấp cho phụ tải, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia...

Theo dự thảo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mới nhất, tại bảng phụ lục danh mục và tiến độ các dự án điện quan trọng quốc gia, dự án điện ưu tiên đầu tư của ngành, bảng phụ lục số 5 về công suất nguồn điện gió trên bờ và điện mặt trời phân theo vùng, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 15.582MW điện gió; Giai đoạn 2031- 2045 công suất điện gió đạt 39.829MW, điện mặt trời đạt 80.175MW.
Tương tự, tại bảng phụ lục 6 về công suất nguồn điện gió ngoài khơi phân theo vùng lũy kế đến năm 2030 đạt 7.000MW (miền Bắc trở vào đến tỉnh Quảng Ngãi đạt 4.000MW, từ Bình Định vào miền Nam có 3.000MW) với điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép, đặc biệt là giá điện và hạ tầng đấu nối. Tổng công suất điện gió ngoài khơi lũy kế đến năm 2045 có 64.500MW.
Đặc biệt, phần ghi chú tại các bảng danh mục 5 và 6 có thông tin đáng chú ý là "khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi tự cung cấp cho phụ tải, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia và phục vụ sản xuất các dạng năng lượng mới như: hydrogen, amoniac xanh…".
Theo phần ghi chú, các loại hình này sẽ được phát triển không giới hạn quy mô công suất, không bị giới hạn bởi cơ cấu nguồn trong quy hoạch, được bổ sung quy hoạch khi có đề xuất khả thi.
Khu vực, vị trí, công suất của các dự án cụ thể sẽ được xác định dựa trên kết quả đánh giá chi tiết về tiềm năng, các điều kiện xây dựng và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện đồng bộ. Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện thực hiện theo đúng các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Quy hoạch điện VIII: Khuyến khích điện gió, điện mặt trời tự cung cấp cho phụ tải
Khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, tự cung cấp cho phụ tải, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia...
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương tính toán, vừa trình lại Chính phủ đầu tháng 4, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo quy hoạch lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000MW (không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát), giảm 35.000MW so với phương án trình Chính phủ cách đây một năm. Trong đó, sẽ có 37.467MW điện than, 23.900MW điện khí LNG, 16.121MW điện gió trên bờ, 7.000MW điện gió ngoài khơi và 8.736MW điện mặt trời quy mô lớn.
Quy mô này đáp ứng đủ nhu cầu công suất phụ tải cực đại dự báo đến năm 2030 là 93.300MW, có mức dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
Tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia sẽ tăng lên 217.596MW vào năm 2035 và đạt khoảng 401.556MW năm 2045.
Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, đã tính toán phương án thay thế đối với các dự án điện than, các dự án điện khó triển khai thực hiện...
Quy hoạch lần này cũng cơ bản đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa các nguồn điện để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì các nguồn điện khác.
Sau phần trao đổi, thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá về dự thảo với đa số phiếu nhất trí thông qua Quy hoạch điện VIII.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với đánh giá của Hội đồng thẩm định, theo đó Quy hoạch điện VIII được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, trên cơ sở tham khảo, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định Quy hoạch điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây. Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000MW, giảm khoảng 35.000MW so với phương án trước.

Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch điện VIII phải có sự đổi mới tư duy, cách làm khi quy hoạch này liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, với mong muốn giữ lại nhiều dự án trong quy hoạch.Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng Quy hoạch điện VIII là đặt lợi ích chung lên trên hết, tiết kiệm hàng chục tỷ USD, việc giảm đầu tư đường dây, giảm chi phí vận chuyển sẽ giúp giảm giá thành điện.
Sau khi Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua dự thảo Quy hoạch điện VIII với số phiếu cao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương và các Bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch; việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
"Tuyệt đối không được biến quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Các đơn vị gồm Bộ Công thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát thật kỹ dự thảo quy hoạch, dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.