Trang chủ / TIN TỨC / Con đường duy nhất cho ngành năng lượng Việt Nam

Con đường duy nhất cho ngành năng lượng Việt Nam


Trước khi có thể tiến tới sử dụng các sản phẩm năng lượng sạch như mục tiêu đầy tham vọng tại COP26, Việt Nam cần vượt qua những thách thức trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế.

Chuyển đổi năng lượng là chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch hơn, với tỷ lệ lớn hơn nhằm đảm bảo đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu 
Tại COP26 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đầy tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 dù là nước đang phát triển.
“Tuyên bố này cho thấy chúng ta phải đi trên một con đường không thể khác được – đó là chuyển dịch năng lượng”, bà Nguyễn Phương Mai, Phó chánh văn phòng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, nhấn mạnh trong buổi gặp gỡ báo chí gần đây.
Quá trình chuyển dịch năng lượng là điều tất yếu, bởi trước khi có thể tiến tới sử dụng những sản phẩm xanh, sạch, Việt Nam cần đảm bảo đủ điện, đủ năng lượng cho phát triển kinh tế
Bà Nguyễn Phương Mai, Phó chánh văn phòng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương.
Trên thực tế, tăng trưởng nhu cầu điện liên tục cao ở mức 10 – 12% những năm gần đây đã tạo sức ép đối với ngành điện, và những thách thức sẽ càng nhiều hơn trong quá trình chuyển dịch bởi sản lượng nhiệt điện than hiện chiếm gần một nửa toàn hệ thống.
Ngay cả khi sở hữu các nguồn về than, về khí, về năng lượng tái tạo, việc khai thác, sử dụng như thế nào cũng là điều không dễ dàng, bà Mai phân tích. Đơn cử như than, Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện khi sản lượng trong nước đã bắt đầu đi xuống sau nhiều năm khai thác mạnh mẽ.
“Một vấn đề khác là cân bằng các nguồn điện – bài toán lúc nào cũng khiến chúng tôi phải đau đầu. Sử dụng làm sao các nguồn hài hòa, đảm bảo đủ lượng, có lộ trình hợp lý chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang tái tạo một cách mượt mà, mà không gặp vấn đề về thiếu điện, thiếu vốn đầu tư, các vấn đề về kỹ thuật, về đảm bảo an toàn”, bà Mai chia sẻ.
Ngoài ra, tăng trưởng nhập khẩu của ngành điện cũng là điều cần tính đến. Trong khi Việt Nam sẽ không phát triển thêm điện than, thì nguồn khí cho giai đoạn chuyển tiếp đang là phương án được cân nhắc, và có khả năng nhập khẩu thêm khi nguồn trong nước có giới hạn, khó đáp ứng đầy đủ tăng trưởng nhu cầu điện như hiện nay.
Mặc dù cũng là nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng điện khí có mức độ phát thải thấp hơn, có các đặc điểm phù hợp như công suất lớn, vận hành ổn định, để làm bước đệm chuyển tiếp cho nền kinh tế sang phát thải thấp.
Bà Vũ Chi Mai, Trưởng Hợp phần năng lượng tái tạo, Tổ chức phát triển Đức GIZ, cũng từng nhấn mạnh tại một diễn đàn cuối năm ngoái rằng, chuyển dịch năng lượng không phải loại trừ những gì đang có, mà chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch hơn, với tỷ lệ lớn hơn nhằm đảm bảo đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu.
Theo vị chuyên gia này, có ba đòn bẩy chính sách quan trọng và dẫn dắt chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bao gồm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, giảm sâu phát thải CO2 và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng.
Ngoài ra, thực tế phát triển thời gian qua đã cho thấy thêm một thách thức liên quan đến hệ thống lưới điện, truyền tải điện từ năng lượng tái tạo.
Giá FIT đầy hấp dẫn đã giúp Việt Nam ghi nhận giai đoạn bùng nổ điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, mang đến nguồn cung lớn. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều trong thời gian ngắn trong khi đường truyền tải không đáp ứng kịp đã dẫn đến tình trạng không giải tỏa kịp công suất, gây lãng phí, bà Mai cho biết.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, tại diễn đàn năng lượng sạch đầu tháng này, cho biết thêm, hiện nguồn năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, địa phương nhất định, trong khi phần lớn các tỉnh này có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ.
Do đó, gây áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia trong việc truyền tải công suất, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho biết nguồn điện mặt trời phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông luôn trong tình trạng thường xuyên đầy tải, quá tải vào ban ngày.
Cùng với đó, sự gia tăng mạnh mẽ nguồn điện năng lượng tái tạo đã gây nên khó khăn khi các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô, cũng như tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy.
Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.“Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện”, EVN nhấn mạnh.